Dẻo thơm bánh hồng Tam Quan
Bánh hồng là một đặc sản truyền thống của vùng đất Bình Định từ thời xa xưa tới giờ, trong những mâm cưới hỏi của người Bình Định bánh hồng giống như bánh phu thê, bánh hồng thường được bầy biện trong đám cưới. Ở Bình Định mọi người thường hay đùa hoặc nhắc khéo nhau rằng: “ Bao giờ cho tui ăn bánh hồng” bạn biết không câu này có hàm ý rằng bao giờ thì bạn làm đám cưới..
Những người phụ nữ đã khéo léo hòa trộn vị ngọt thơm, bùi béo của cùi dừa để tạo thành những thức quà ngon đặc trưng như bánh phu thê, bánh tráng nước dừa… Đặc biệt, bánh hồng được coi là đặc sản đơn giản mà tinh tế nhất. Du khách đừng để bị đánh lừa bởi tên gọi “bánh hồng”, vì không có quả hồng nào trong bánh cả. Bánh hồng được tạo thành bởi sự hòa trộn mê hoặc giữa nếp mới dẻo thơm và cơm dừa dậy mùi béo ngậy.
Cũng là bánh hồng, nhưng ở mỗi vùng của tỉnh Bình Định lại cho hương vị khác biệt đôi chút. Trong đó, bánh hồng của vùng đất Tam Quan được đánh giá là đặc biệt và ngon nhất vì làm từ nếp Ngự. Món bánh trông đơn giản, dân giã vậy nhưng đòi hỏi người làm phải cực kỳ khéo léo và nhẫn nại.
Món bánh thơm ngon, ăn dẻo dẻo dai dai ấy được chế biến từ những nguyên liệu chính đó là nếp đường và dừa . Đối với gạo nếp phải chọn loại nếp mới, hoặc nếp ngự có độ dẻo cao, đem vo thật kỹ, ngâm qua đêm để nếp mềm rồi xay thành bột. Xong thì đăng khô bột bằng cách cho bột nếp vào trong một chiếc túi vải, buộc chặt lại dùng một phiến đá nhỏ đè lên bên trên để nước trong thoát ra ngoài, chỉ còn lại phần bột nếp, lấy ra và nhồi thật dẻo, chia thành nhiều cục nhỏ rồi đem luộc chín. Đây là khâu rất quan trọng, phải canh cho bột vừa chín tới, chín đều cả trong và ngoài. Nếu luộc bột chín quá bánh hồng khuấy lâu tới, dễ bị chảy nước; còn luộc bột sống thì bánh bị vón cục và mặt bánh không mịn màng.
Cùng lúc đó ta bắt đầu thắng đường, đến khi thấy đường có màu vàng nhạt và kẹo lại. Tốt nhất là nên kiểm tra bằng cách nhấc đũa lên và kéo rời hai chiếc đũa ra, nếu sợi đường không đứt thì chảo đường coi như đã đạt yêu cầu.
Cho bột chín vào chảo đường đang sôi, cơm dừa đã bào sợi sẳn cũng cho vào cùng lúc, khuấy nhanh và đều tay để tất cả cùng hòa quyện vào nhau. Đặc biệt đối với dừa phải chọn được dừa tươi, dừa sỏi xanh, không non không già. Nếu mà là dừa già bánh sẽ cứng, nếu là dừa non bánh sẽ nhão và không được giòn nữa. Những người phụ nữ khéo léo đã lựa chọn vị ngọt thơm bùi béo của dừa.
Sau khi bột tan đều thì hạ lửa nhỏ lại, tiếp tục dùng đũa đánh đều tay để cho bột không bị quyện. Dùng tay sờ vào bột mà không bị dính tay, bánh tỏa mùi thơm thì lúc đó bánh đã chín.
Vớt bánh ra, cho vào khuôn đã rải sẵn lớp bột nếp khô, canh cho độ dày bánh khoản 2 -3 cm là được, rồi rải tiếp một lớp bột nếp mỏng lên bề mặt của bánh , để nguội là ta đã có được món bánh thơm ngon, cắt ra từng miếng vừa ăn
Ban đầu, bánh có màu của bột nếp chín trong trong. Về sau, để bánh đẹp bắt mắt hơn, người ta dùng các loại lá cây, quả để tạo màu tự nhiên xanh, đỏ, hồng cho bánh. Bánh hồng được làm theo cách tự nhiên, không chất bảo quản và được ăn trong 4- 5 ngày sau 4-5 ngày có thể bảo quản lạnh.
Bánh hồng một món ăn đơn sơ mộc mạc gần gũi với người dân Bình Định. Mỗi chiếc bánh hồng đều chứa đựng tình cảm con người nơi đây, một thứ quà quê tuy giản dị nhưng được tạo nên bởi tính cách cần mẫm chăm chỉ và khéo léo của người phụ nữ miền trung. Đặc biệt đối với người dân Bình Định bánh hồng còn mang ý nghĩa là một loại bánh báo tin vui cho mọi người vì ở Bình Định bánh hồng thường được làm vào mỗi dịp đám cưới , đám hỏi hay trong những dịp lễ tết. Sự hoà quyện ngọt ngào trong mỗi miếng bánh giống như niềm hạnh phúc lan toả tới mọi người.
Khi ăn bánh được cắt ra từng miếng, miếng bánh hồng dai dai, deo dẻo, thơm mùi nếp, lại giòn giòn, sần sật dậy hương dừa và có vị ngọt vừa miệng khiến ta cứ muốn ăn mãi không thôi. Nhâm nhi miếng bánh cùng tách tà nóng, ta sẽ cảm nhận được sự thanh tao, mộc mạc và hương vị quê hương của bánh hồng. Những đôi uyên ương chọn bánh hồng để gửi gắm ước mơ về mối tơ duyên keo sơn như sự kết dính bền chặt của bánh hồng.
Mỗi địa phương trên dải đất hình chữ S đều có một thứ quà đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc như bánh nhãn Nam Định, bánh phu thê Bắc Ninh, bánh đậu Hải Dương, bánh cốm hàng than Hà Nội, bánh cáy Thái Bình, bánh cu đơ Hà Tĩnh.
Bánh hồng tam quan là thứ quà quê giản dị được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của người dân Bình Định chứa đựng tính cách mộc mạc, tình cảm chân thành của người dân Bình Định . Khi đi ngang xứ Nẫu, đặc biệt là xứ dừa Tam Quan, hãy nhớ dừng lại thưởng thức vị ngọt ngon của bánh hồng và tấm lòng hiếu khách của con người nơi đây.
Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn về Bánh hồng Bình Định nhằm cải thiện tốt hơn sản phẩm, dịch vụ cho bạn